#12. Tại sao Shakespeare hay Nguyễn Du dù “đạo văn” nhưng vẫn được chấp nhận?
Bản tin ngày hôm nay sẽ trả lời câu hỏi trên của bạn!
Copy tác phẩm của mình cũng là đạo văn
Self-plagiarism, hay tự đạo văn chính mình, là một trường hợp thú vị của quyền tác giả. Thông thường, đạo văn bị chỉ trích bởi gây phương hại đến quyền lợi chính đáng của tác giả gốc, và lừa dối niềm tin của công chúng. Nhưng cả hai lý do nói trên đều lung lay khi đặt trong tình huống tự đạo văn.
Thứ nhất, nếu có quyền lợi bị phương hại, thì đó là quyền lợi của chính tác giả.
Thứ hai, công chúng cũng không hoàn toàn bị lừa dối, khi vẫn là tác giả đó tự mình tạo ra thành quả bằng lao động trí tuệ. Do đó, tự đạo văn thường không bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả dưới góc nhìn pháp lý.
Tuy nhiên, trong giới học thuật, tự đạo văn vẫn là một lỗi nghiêm trọng. Điều cốt lõi ở đây chính là sự thiếu liêm chính của nhà khoa học khi tự sao chép các công trình trước đó của mình. Một cách ví von, hành động này như thể người bán hàng tính tiền hai lần cho cùng món hàng. Người tự đạo văn có thể làm giàu thành tích nghiên cứu khoa học bất chính, qua đó kèm theo lợi ích vật chất và tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh với các nhà khoa học khác.
Vậy ngụy tạo, làm khống, hay bịa đặt có phải là hành vi đạo văn?
Câu trả lời là không, bởi bịa đặt không sao chép bất kỳ tác phẩm của tác giả nào. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, bịa đặt đều chịu mức độ xử lý tương đương đạo văn. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bịa đặt có thể bị xem là hành vi lừa đảo (fraud) và phải chịu chế tài hình sự.
Shakespeare, Nguyễn Du cũng đạo văn?
Quan niệm về đạo văn bắt đầu trở nên phổ biến hơn từ khoảng thế kỷ XVI-XVII, đặc biệt là với những tranh cãi xoay quanh đại danh hào Shakespeare. Cả sự nghiệp lẫy lừng của Shakespeare gắn liền với việc sao chép nhan đề, kịch bản, nhiều đoạn gần như nguyên văn từ các tác phẩm khác.
Vậy mấy trăm năm qua, nhân loại có đang tôn vinh nhầm một kẻ đạo văn?
Chắc chắn là không, bởi đạo văn phải được xem xét trong bối cảnh thời đại và chuẩn mực tương ứng. Các học thuyết cổ điển đều khẳng định tính nguyên gốc của tác phẩm đạt được thông qua sự bắt chước có chọn lọc, được cá nhân hóa, và vượt qua bản gốc một cách rực rỡ. Nhà thơ cùng thời với Shakespeare, John Milton còn cho rằng việc vay mượn trong văn chương chỉ bị xem là đạo văn nếu nó không được làm cho hay hơn bản gốc.
Ở Việt Nam cũng có một trường hợp nổi tiếng, đó là Nguyễn Du với Truyện Kiều – vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim, Vân, Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thời nhà Minh (Trung Quốc). Điểm chung đáng lưu ý là cả Shakespeare và Nguyễn Du đều không bao giờ cố gắng che đậy nguồn gốc tác phẩm, thể hiện qua việc họ đều thừa nhận bối cảnh, giữ nguyên tác, hay tên nhân vật. Và cái cách mà Shakespeare, hay Nguyễn Du “đạo văn” lúc bấy giờ là quá xuất sắc, đến nỗi nếu đó bị xem là đạo văn, nhân loại có lẽ cần đạo văn nhiều hơn nữa.
Còn có lý do sâu xa khác mang dấu ấn thời đại cho việc vay mượn tác phẩm của Shakespeare. Ở thế kỷ XVI-XVII, việc trình diễn sân khấu kịch ở Anh bị kiểm duyệt nội dung. Chính bởi vậy, các tác giả thường có xu hướng sáng tác trên cốt truyện sẵn có để tránh mất thời gian và rắc rối không đáng có cho vấn đề kiểm duyệt. Quan trọng hơn, khán giả lại là người hưởng lợi từ khuynh hướng đó, đặc biệt trong điều kiện thiếu thốn phương tiện giải trí, và chủ nghĩa cá nhân chưa phát triển rực rỡ như ngày nay.
Chủ nghĩa cá nhân, đòn bẩy cho khái niệm đạo văn hiện đại
Nơi mỗi cá nhân có nhu cầu được ghi nhận riêng biệt và độc lập đối với thành quả cống hiến của mình.
Đã qua rồi cái thời của tác giả ẩn danh. Ngày nay, hầu hết mỗi người đều có nhu cầu phát triển danh tính thành thương hiệu cá nhân. Thị hiếu khán giả cũng vậy, họ không muốn thưởng thức một tác phẩm nhân bản trái phép (dù hay hơn), bởi vậy mà đạo văn là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, đạo văn luôn phải được đặt trong đúng chuẩn mực tương ứng trước khi đánh giá.
Chính nhờ chuẩn mực đạo văn thấp nên những tác giả như Shakespeare mới có thể cứu rỗi nền nghệ thuật nghèo nàn do thiếu thốn và do bị bóp nghẹt lúc bấy giờ.
Như đã nói, chuẩn mực đạo văn cũng thay đổi theo thời gian.
Danh họa Rembrandt ở thế kỷ 17 thực chất không phải là tác giả của toàn bộ tác phẩm mà ông ký tên. Nhiều trong số đó do học trò ông vẽ, nhưng được ông ký tên tác giả như bảo chứng chất lượng “Rembrandt”. Chuẩn mực hiện đại tất nhiên không bao giờ chấp nhận điều này. Hành vi này còn gọi là đạo văn “ngược”, làm tăng giá trị thực của tác phẩm khi chắc chắn người mua sẽ trả giá thấp hơn nhiều nếu biết đó không phải do Rembrandt vẽ.
Quay trở lại với chuẩn mực của giới học thuật, việc đứng tên “kiểu Rembrandt” từng được chấp nhận rộng rãi ở châu Âu. Khi đó, các giáo sư có thể công bố công trình dưới tên của mình mặc dù do học viên, hay trợ lý thực hiện. Một hình thức phổ biến khác vẫn được duy trì cho đến ngày nay đó là người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu sẽ xuất hiện với tư cách đồng tác giả trong mọi công trình do trung tâm này công bố, bất kể người này có đóng góp thực tế trong đó hay không. Những trung tâm lớn có đến hàng trăm nghiên cứu viên, và đây chính là lý do giúp một số nhà khoa học có số lượng công bố khoa học lên tới cả nghìn công trình mỗi năm. Ngược lại, cần đặt ra câu hỏi về sự liêm chính nếu một nhà khoa học không mấy tên tuổi lại có số lượng công bố khổng lồ.
Tóm lại
Đạo văn có nhiều loại thước đo. Rộng hơn, quyền tác giả cũng có chuẩn mực riêng của mình, tạo ra sự khác biệt với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác. Chẳng hạn, lon Coca Cola có thể được sản xuất khắp nơi trên thế giới, miễn nó đạt chất lượng thì sẽ được dán nhãn hiệu Coca Cola. Nhưng một hành vi tương tự như vậy (“kiểu Rembrandt”) lại bị cấm kỵ ở trong quyền tác giả.
Hy vọng, bản tin ngày hôm nay đã giúp bạn có được cái nhìn toàn diện và thấu đáo hơn về đạo văn. Qua đó, làm sáng tỏ một số câu hỏi như tại sao những tác phẩm của Shakespeare, hay Nguyễn Du dù “đạo văn” nhưng vẫn được chấp nhận.
Thế là bọn mình đã đi qua 12 số của Bản tin Bản quyền & Kinh doanh tri thức. Không biết các bạn có những chủ đề nào cần bọn mình làm rõ hơn liên quan đến bản quyền cần bọn mình hỗ trợ không? Nếu có, bạn cứ comment để chúng ta cùng thảo luận nhé.
Hẹn gặp lại bạn trong Bản tin tiếp theo của Bản quyền & Kinh doanh tri thức. Nếu các bạn thấy thông tin của bọn mình chia sẻ là hữu ích thì hãy “share” đến những ai cần giúp bọn mình với nhé.
Ngân & Sỹ cảm ơn bạn đã đọc tin và chúc bạn một thứ năm nhiều niềm vui.
Em đồng ý với các tác giả về việc "đạo văn phải được xem xét trong bối cảnh thời đại và chuẩn mực tương ứng". Nếu xét trong bối cảnh pháp luật hiện hành, nếu cho rằng cụ Nguyễn Du "đạo văn" thì chắc có sự phân tích thận trọng hơn...